THẾ GIỚI CÓ CẦN MỘT HỌC THUYẾT KINH TẾ MỚI?

– Khi tất cả các mô hình kinh tế đã được áp dụng đều đang không hiệu quả –

Câu trả lời là: KHÔNG. Con người chỉ cần tôn trọng học thuyết kinh tế do chính mình đã phát minh ra trong suốt thế kỷ qua mà thôi.

“Không có bữa trưa nào miễn phí” (There ain’t no such thing as a free lunch – TANSTaaFL) là câu nói tóm gọn toàn bộ triết lý cốt lõi của kinh tế học. Điều câu nói này nói đến chính là chi phí cơ hội. Tức là nếu bạn muốn có 1 điều bạn thích thì bạn cũng phải từ bỏ 1 điều bạn thích. Bạn muốn có một bữa ăn ngon thì bạn phải trả nhiều tiền. Bạn muốn xem TV miễn phí thì bạn phải xem quảng cáo. Tóm lại, thứ tạo nên nền kinh tế là những sự trao đổi qua lại.

Tuy nhiên, dù đã viết ra định luật này, in thành sách được giảng dạy ở khắp nơi; nhưng trong suốt thế kỷ qua (hoặc có thể là nhiều thế kỷ qua), loài người gần như chưa từng làm đúng theo quy luật kinh tế này. Và kết quả là tất cả các mô hình kinh tế hiện nay đều có rất nhiều vấn đề: sự phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn, thiên nhiên và trái đất bị tàn phá nặng nề. Con người đang đứng trước rất nhiều bài toán của thế kỷ như nạn đói, chiến tranh, biến đổi khí hậu và lòng tham của con người. Kinh tế càng phát triển bao nhiêu thì con người càng trở nên khổ sở bấy nhiêu. Và chế độ nô lệ mới con người đang đi qua không phải là dưới sự áp bức của các vị vua, nhà độc tài hoặc kẻ thù ngoại quốc mà là sự thống trị của các Tập đoàn Kinh tế.

———————————————————————-

Vậy đâu là sai lầm lớn nhất của học thuyết kinh tế trong thế kỷ qua?

Sai lầm lớn nhất đó là thiên nhiên và môi trường chưa từng được xem là một nhà đầu tư của doanh nghiệp. Trên thực tế đây là nhà đầu tư lớn nhất trong mọi doanh nghiệp. Nhà đầu tư mang đến sự sống cho người khởi nghiệp, mang đến mọi nguồn lực mà họ cần để tạo ra sản phẩm dịch vụ, thậm chí mang đến cả khách hàng. Tuy nhiên. nhà đầu tư này không bao giờ được trả cổ tức, không bao giờ được chăm sóc công bằng đúng như định luật kinh tế mà con người đã phát minh ra.

Hãy thử tưởng tượng nhé, mình và bạn cùng khởi nghiệp làm ăn. Chúng ta sẽ đi bán dầu mỏ. Bạn là người đóng góp toàn bộ dầu mỏ còn mình là người đi bán hàng. Đó là thành quả lao động của bạn suốt hàng triệu năm. Còn mình chỉ việc đào lên và bán. Nhưng khi bán được thì mình sẽ không chia tiền cho bạn đâu. Mình sẽ chi một ít % thôi để thể hiện trách nhiệm xã hội là được rồi.

Hoặc hãy thử tưởng tượng nhé, mình và bạn cùng khởi nghiệp làm du lịch. Bạn đóng góp cảnh quan, biển khơi, rừng núi, động vật chim muông. Còn mình sẽ xây các công trình để phục vụ khách ở trên đó. Để có 1 cảnh quan đẹp, bạn phải mất hàng triệu năm ‘làm việc’. Còn mình xây khách sạn resort thì chỉ mất vài năm thôi. Nhưng khi kiếm được lợi nhuận, mình sẽ không chia cho bạn đâu.

Trong 2 ví dụ trên, nếu chúng ta đặt mình vào địa vị của ‘nhà đầu tư thiên nhiên và môi trường’ thì chúng ta sẽ thấy sự bất công đang diễn ra nó lớn như thế nào. Điều tệ hơn là không những không làm đúng quy luật kinh tế, rất nhiều doanh nghiệp còn chà đạp lên thiên nhiên. Khi xã hội ngày càng trở nên vật chất hơn; con người chỉ cần có nhiều tiền là sẽ được tôn vinh, được xem là thành đạt và được tôn trọng. Hệ quả của việc này là tạo nên một thế hệ những người khao khát làm giàu và làm giàu nhanh. Cách gì không quan trọng, miễn họ kiếm được nhiều tiền là được. Và hệ quả của việc này là họ không những lấy đi lợi nhuận của thiên nhiên, họ còn lấy đi lợi ích của thế hệ tương lai, của con trẻ. Bởi vì sau này những đứa trẻ lớn lên sẽ không còn được ăn thực phẩm sạch, không còn những bờ biển sạch, những cánh rừng hay những hồ nước ngọt tự nhiên có thể bơi lội như thiên nhiên đã tặng cho tổ tiên của chúng hàng nghìn năm trước.

Và nếu quan sát ở gốc rễ của vấn đề thì chúng ta sẽ thấy sự thiếu xót này được diễn ra một cách sâu sắc từ các giáo trình đào tạo kinh tế đến cách quản trị nền kinh tế của các quốc gia. Nếu nhìn vào bảng cân đối kế toán của một doanh nghiệp (là thứ bắt buộc phải nộp cho sở thuế), chúng ta sẽ thấy có phương trình như ở dưới đây:

Tài sản doanh nghiệp = Vốn chủ sở hữu + Nợ

(Asset = Stockholders’ equity + Liabilities)

Vì ứng dụng phương trình trên nên nhà đầu tư thiên nhiên mới không bao giờ được trả cổ phần cổ tức vì họ đâu có mặt trên báo cáo tài chính. Và việc chăm sóc cho ‘nhà đầu tư’ này chỉ được xem là quả cherry trên chiếc bánh kem, mang tính trang trí cho bộ mặt Công ty nhiều hơn là một giá trị cốt lõi.

Chúng ta sẽ cần điều chỉnh phương trình ở trên thành như ở dưới đây:

Tài sản doanh nghiệp = Vốn thiên nhiên + Vốn chủ sở hữu + Nợ

Mỗi một doanh nghiệp có thể sẽ có một mức độ khai thác thiên nhiên khác nhau để phục vụ cho việc kinh doanh. Tuy nhiên vốn của thiên nhiên đóng góp vào doanh nghiệp luôn cao hơn rất nhiều so với vốn chủ sở hữu và nợ công lại.

———————————————————————-

Vậy nếu làm đúng như phương trình trên đây, thì nền kinh tế của chúng ta sẽ thay đổi như thế nào?

  • Ý tưởng kinh doanh hay khởi nghiệp đầu tiên là phải làm lợi cho thiên nhiên vì đây là nhà đầu tư lớn nhất của doanh nghiệp. Và để làm được việc này, người kinh doanh cần hiểu, biết yêu và tôn trọng thiên nhiên trước khi bắt đầu xây dựng doanh nghiệp. Các trường kinh doanh sẽ đào tạo học sinh về thiên nhiên trước khi đào tạo học sinh về các định luật kinh tế.

  • Con người có thể khai thác thiên nhiên để phục vụ cho cuộc sống của mình, tuy nhiên phần lớn lợi nhuận thu được cần trả đủ cho nhà đầu tư thiên nhiên thông qua các hoạt động tái tạo thiên nhiên mạnh mẽ chứ không phải là các chương trình từ thiện được trích từ vài phần trăm lợi nhuận. Vì việc từ thiện này có ý nghĩa gì khi số tiền đó được lấy từ phần lợi nhuận mà lẽ ra cần phải được trả đủ cho nhà đầu tư thiên nhiên? Nếu làm đúng, các doanh nghiệp hoàn toàn không cần làm từ thiện hoặc thể hiện trách nhiệm xã hội vì bản thân sự tồn tại của doanh nghiệp đã mang lại rất nhiều phước lạc cho thiên nhiên và con người rồi.

  • Các doanh nghiệp cần đầu tư tìm cách giải quyết các vấn đề do chính mình gây ra với môi trường trong quá trình kinh doanh. VD: rác thải nhựa, ô nhiễm không khí và nguồn nước, chặt phá rừng … Trách nhiệm này là của họ chứ không phải là của Chính phủ, NGO hoặc các nhóm hoạt động xã hội.

  • Các chủ doanh nghiệp khi chăm sóc cho sự cân bằng với thiên nhiên và con người thì sẽ rất khó trở nên rất giàu có về tiền bạc nhưng họ sẽ rất giàu có sự bình an.

Kết bài:

Bài viết có dựa trên những đánh giá chủ quan và còn thiếu các nghiên cứu và số liệu để chứng minh các luận điểm. Mình viết bài viết này cũng như gieo một hạt giống. Một hạt giống có thể sẽ chết một cách vô nghĩa hoặc cũng có thể là tạo nên một điều kỳ diệu. Tuy nhiên. chỉ cần có 1% điều kỳ diệu xảy ra là cũng đủ cho chúng ta có động lực để gieo một hạt rồi phải không?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *