[Truyện Gieo] Sự tích trầu cau – Phần 2

Tóm tắt phần 1:

Tân và Lang là hai anh em song sinh vô cùng thân thiết. Cha mẹ họ mất sớm, họ chuyển tới sống cùng với gia đình vị đạo sỹ họ Lưu để xin học. Nhà vị đạo sỹ này có cô con gái tên là Lưu Thị đã đem lòng yêu mến người anh. Sau đó Tân và Lưu Thị đã cưới nhau.

Sau khi cưới, Lang không nhận được ít sự quan tâm của anh mình hơn nên thấy buồn. Hôm ấy, hai anh em đi làm nương ở xa mãi tối mịt mới về. Lưu Thị không nhận ra nên đã chạy ra ôm chầm lấy Lang, đúng lúc ấy thì Tân bước vào nên cả ba đều rất khó xử.

Kể từ đó, Tân nảy sinh sự ghen tuông nên càng lạnh nhạt với em mình hơn. Lang cảm thấy rất giận và thẹn nên đã bỏ đi. Chàng đi mãi tới bờ sông nước chảy xiết không vượt qua được thì ngồi xuống mà khóc. Khóc mãi thì biến thành một tảng đá.

Tân chờ mãi không thấy em đâu cũng bỏ đi tìm, tới bờ sông thấy tảng đá. Biết mình trách nhầm em nên Tân cũng ngồi xuống khóc rồi biến thành một cây mọc thẳng lên.

Lưu Thị không thấy chồng đâu cũng đi tìm tới bờ sông khóc rồi biến thành một cây thân leo quấn lấy cây mọc thẳng.

Vợ chồng đạo sỹ và dân làng đi tìm thì giờ cũng chỉ còn thấy tảng đá và 2 cái cây cạnh nhau. Mọi người truyền nhau chuyện “anh em hòa thuận, vợ chồng tiết nghĩa”. Từ đó, trầu cau và vôi trở thành món ăn dân gian, thường xuyên có mặt trong các đám cưới.

Phần 2:

Vợ chồng đạo sỹ và dân làng tìm mãi không thấy Tân, Lang và Lưu Thị đâu. Men theo con đường mòn dẫn tới bờ sông chảy xiết, họ chỉ còn thấy một tảng đá và hai cây mọc quấn lấy nhau. Lắng tai vào tảng đá vẫn nghe thấy tiếng đập thình thịch của một trái tim. Chạm tay vào cây thì vẫn cảm nhận được sự phập phồng của một sự sống.

Vợ chồng đạo sỹ biết các con mình đã quá đau buồn mà khóc rồi hóa đá hóa cây để giữ trọn tiết nghĩa. Họ ngã khụy xuống bên cây và tảng đá; ôm cây ôm đá vào lòng mà khóc. Nước mắt cứ thế chảy hòa vào trong cơn mưa chiều muộn. Nước mưa rơi xuống lại tan vào nước của dòng sông chảy xiết.

Dân làng thương và xót xa cho hai vợ chồng đã mất ba người thân chỉ trong ít ngày. Họ thay phiên nhau chăm sóc cho hai vợ chồng rồi cùng nhau giúp họ dựng một ngôi nhà sàn nhỏ gần bờ sông để ngày ngày họ được sống gần con – giờ đây đã ở trong hình hài của cây của đá.

Đi qua những đau thương ban đầu, hai vợ chồng cũng đi hỏi han khắp nơi với hy vọng có thể tìm phương thuốc giúp con mình trở lại như xưa. Họ tìm hết người này tới người khác nhưng chẳng ai có thể giúp được gì. Rồi họ được một người già trong làng bảo là hãy tới gặp Sơn Tinh – khi đó đã là rể Vua Hùng. Sau bao khó khăn, họ mới gặp được Sơn Tinh. Nghe chuyện xong, Sơn Tinh cũng xin lỗi hai vợ chồng vì không thể giúp được vì mặc dù là thần núi quyền năng nhưng ông cũng không có sức mạnh biến con họ trở lại thành người.

Sau bao năm tháng nỗ lực tìm thuốc cứu con không thành, hai vợ chồng tuyệt vọng lại trở về sống ở căn nhà sàn nhỏ cạnh bờ sông …

Vị đạo sỹ họ Lưu cũng dần nguôi ngoai nỗi đau. Ông dần chuyển hóa nỗi đau thành tình thương. Hàng ngày ông chăm chỉ gieo hạt và chăm sóc cho khu vườn nhỏ trước nhà để cây cối, chim muông và động vật được cùng về chơi với các con mình. Ông vẫn nói chuyện với các con dù chúng chẳng thể trả lời ông. Ông vẫn tưới nước và chăm bón cho chúng dù chúng chẳng thể giúp gì cho ông. Ông vẫn vuốt ve và chạm vào cây vào đá trong niềm yêu thương trìu mến vô bờ. Ông biết con mình dù không thể nói nhưng vẫn cảm nhận được ông.

Còn vợ ông thì mãi vẫn không thể chấp nhận được sự thật mất con. Mỗi lần nhìn cây nhìn đá là lòng bà lại quặn thắt, bà vẫn khóc nấc hàng đêm và mong ước một điều kỳ diệu gì đó có thể xảy ra để con mình có thể trở về như xưa. Mắt bà giờ đây đã mờ còn mái tóc thì đã bạc trắng. Vị đạo sỹ vẫn hàng ngày vừa chăm sóc khu vườn, vừa chăm sóc người vợ đau ốm.

– Con mình thực sự đã ra đi rồi sao ông ơi? – Người vợ hỏi

– Không, con vẫn ở đây mà. Sáng nay tôi vẫn uống trà với chúng nó đấy.

– Không, ông chỉ đang uống trà với một cái cây thôi, không phải con mình.

– Con mình sáng nay cũng biết vui biết cười qua những cái lá rung rinh đấy nhé. Con mình cũng gửi bà trầu cau đây này. Bà ăn đi, của con đấy.

Người mẹ đưa miếng trầu cau và vôi lên miệng rồi nhai lẫn cùng nhau. Hương vị ngon ngọt, thơm cay và bừng lên như có hơi men làm môi bà đỏ lên. Sắc mặt bà cũng trở nên hồng hào nhiều sức sống trở lại.

– Bà thấy không, con vẫn thương bà lắm nhé … chỉ là không giống cách của những đứa con khác thôi. Con không làm nhà cao cửa rộng cho mình được. Con cũng không đẻ nhiều con cho mình có nhiều cháu bế được. Nhưng nó vẫn luôn bên mình mà, chỉ là không phải theo cách mà vợ chồng mình muốn thôi. Chiều nay cả nhà mình sẽ cùng ngồi ngắm hoàng hôn ở bờ sông bà nhé.

Lần đầu tiên sau bao năm, người mẹ mới lại được ngắm hoàng hôn đẹp đến vậy. Sự trong vắt của không khí chiều nay … Từng vệt nắng kéo dài lấp lánh phản chiếu ánh dương huy hoàng trong buổi chiều tà … Cả nhà đung đưa trong gió cùng nhau như trong một bài hát. Bất chợt người mẹ cất tiếng hát:

à ơi …

Cây trầu, cây cau, hòn đá

Mặt trời, ngọn gió, giọt sương

Đây con, đây cha, đây mẹ

Mình lại sánh bước cùng nhau.

Lũ dế mèn và ếch ộp chiều nay cũng im ắng hơn như cùng thưởng thức cái khoảnh khắc bình yên tinh khôi ấy cùng gia đình nhỏ.

Kể từ đó, người vợ cũng hàng ngày xuống chăm sóc cho khu vườn nhỏ cùng chồng. Nỗi buồn cũng dần xa xôi theo gió bay mà thay vào đó là sự bình an khi cả hai vợ chồng dần chấp nhận sự thật rằng con mình giờ đây đã trong hình hài mới.

Sự bình yên chẳng được bao lâu thì năm đó Sơn Tinh và Thủy Tinh lại đánh nhau lớn. Thủy Tinh dâng nước tới đâu thì Sơn Tinh dâng núi lên tới đó. Như thường lệ, Thủy Tinh bại trận phải rút nước về làm nước con sông vốn đã chảy xiết nay lại càng hung dữ đẩy tung bờ rồi cuốn đi cả cây trầu, cây cau và hòn đá ra biển. Hai vợ chồng già lặng nhìn con nước lớn cuốn con mình đi mà chẳng thể làm gì.

Trở về biển trong thất bại, đêm đó Thủy Tinh lại bị mất ngủ không phải vì sự cay cú thua trận mà là bởi vì chàng nghe được tiếng trái tim còn đập thình thịch trong dòng nước biển. Chàng lệnh cho đàn cá heo lần theo tiếng động đó thì tìm được cây trầu cây cau và tảng đá vẫn đang cuốn chặt lấy nhau không dời cho dù nước lũ có chảy xiết. Thủy Tinh biết mình đã không may gây chuyện nên dự định hôm sau sẽ mang cây trầu, cây cau và hòn đá trả về cho hai vợ chồng già.

Trong đêm đó, bầy cá heo nghe được câu chuyện tình cảm động của cây trầu, cây cau và hòn đá nên đã bàn bạc cách giúp họ. Đàn cá có báu vật là 3 chiếc lá thần. Đây là 3 chiếc lá từ cây Đa trên mặt trăng của Cuội. Mỗi năm cây này chỉ rụng một chiếc lá xuống mặt biển và đã 3 năm qua đàn cá chưa sử dụng tới cái lá nào. Nay thấy chuyện gia đình xa cách chia ly nên muốn giúp.

Sáng ngày hôm sau trước khi Thủy Tinh đem trả cây trầu, cây cau, hòn đá về thì đàn cá heo đã mang 3 chiếc lá tới đắp lên người họ. Và phép màu đã xảy ra … Cây trầu, cây cau và tảng đá đã trở lại thành người.

Tân, Lang và Lưu Thị ôm chầm lấy nhau trong nước mắt. Họ xin lỗi nhau vì những hiểu nhầm trong quá khứ. Họ cũng ôm chầm lấy Thủy Tinh và đàn cá heo với tất cả tấm lòng biết ơn vì đã cho họ một cơ hội được làm lại. Thủy Tinh mỉm cười hiền từ.

– Ta biết các ngươi muốn gặp lại ai nhất bây giờ rồi.

Nói rồi Thủy Tinh lấy hơi thổi cơn gió tạo thành con sóng biển đưa Tân, Lang và Lưu Thị về nhà. Hai vợ chồng đạo sỹ già đang loay hoay trong nhà không biết nên làm gì khi nước cuốn con mình đi thì nghe thấy tiếng con.

– Cha mẹ ơi … Bọn con về rồi đây …

Họ không tin vào tai mình nữa.

– Cái gì? Có phải là tiếng của Lưu Thị đó không? Có phải là con gái mình đó không?

Ba đứa trẻ lao vào ôm chầm lấy cha mẹ già trong niềm vui vô bờ bến.

– Ôi các con … Các con đã về thật rồi.

Những trái tim như bị bóp nghẹt lại trong ngày đoàn tụ. Họ đã khóc ngon lành trong nhau.

– Giá mà năm xưa các con chỉ cần đặt cho nhau một câu hỏi, thay vì ‘dĩ hòa vi quý’ rồi giữ những nghi ngờ trong lòng thì mọi việc đã đâu đến nỗi.

Có những điều trông giống như là sự thật nhưng cũng chưa chắc đã là sự thật đâu con. – Vị đạo sỹ già nói trong nước mắt.

– Chúng con biết lỗi rồi. Tất cả chỉ là hiểu lầm thôi. Chúng con đã xin lỗi nhau. Giờ chúng con cũng xin lỗi cha mẹ.

Nói rồi họ lại ôm siết lấy nhau trong niềm vui của sự tha thứ. Ngày hôm đó, cả gia đình đã mời Thủy Tinh về chung vui để cảm ơn Thủy Tinh và đàn cá heo đã cứu giúp. Họ đã cùng nhau ăn bữa cơm với nhiều món rau ngon trong vườn. Họ chẳng nói gì nhiều mà chỉ trao nhau những ánh nhìn ấm áp. Cuối bữa cả nhà lại bầy miếng trầu, quả cau và vôi lên cùng ăn trong tiếng cười giòn giã.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *