Báo Tuổi Trẻ: Người đi gieo hạt

Đường link bài viết gốc trên báo Tuổi Trẻ Online: https://tuoitre.vn/nguoi-di-gieo-hat-20200329143345445.htm

Nghỉ học vì dịch bệnh kéo dài, nhiều cô giáo hào hứng chia sẻ hình ảnh những mầm xanh do chính tay học sinh gieo trồng lên Facebook.

Báo Tuổi Trẻ: Người đi gieo hạt 1

Anh Lương Ngọc Đức, đồng sáng lập Gieo – Nghệ thuật trao hạt may mắn, chia sẻ về hành trình gieo hạt – Ảnh: NAM TRẦN

Đồng sáng lập của Gieo – Nghệ thuật trao hạt may mắn vui mừng nói đó là một trong những kết quả của hành trình gieo hạt không mệt mỏi.

Tặng hạt giống, nhận quả ngọt

Chia sẻ về hành trình khởi phát, anh Lương Ngọc Đức (33 tuổi, đồng sáng lập Gieo – Nghệ thuật trao hạt may mắn) nói: “Khi sáng tạo Gieo, chúng tôi hướng đến giới thiệu cho mọi người lối sống gần gũi và tôn trọng thiên nhiên, tạo ra bộ môn nghệ thuật như cách người Nhật từng làm với nghệ thuật cắm hoa Ikebana hay nghệ thuật gói quà bằng khăn Furoshiki. Chúng ta cũng có thể tặng cho ai đó hạt giống. Việc trao nhau một hạt giống nhỏ bé sẽ trở nên đẹp đẽ và thiêng liêng lắm”.

Nhớ lại những ngày đầu đi gieo hạt vào năm 2016, hoạt động lì xì hạt giống là ý tưởng đầu tiên được Gieo lựa chọn. Anh Đức cho biết mới đầu chỉ có hai trường học ở Hà Nội phối hợp với nhóm tổ chức cho trẻ em thiết kế phong bao lì xì và trao tặng hạt giống. Trong chương trình này, những đứa trẻ sẽ tiết kiệm hạt giống sau mỗi lần ăn hoa quả và tự tay làm phong bao lì xì. Mỗi bao sẽ gồm hạt giống, kèm theo lời chúc được các em tự tay tặng cha mẹ, người thân.

Từ hai trường học ban đầu, sau một năm đã có 32 trường học, đến nay là 102 trường tại Hà Nội đăng ký tham gia hoạt động trên. Anh Đức bảo trong đợt dịch COVID-19, học sinh trên địa bàn thành phố phải nghỉ học nhưng nhiều thầy cô vẫn kịp lì xì hạt giống cho các em. Việc gieo hạt được học sinh triển khai như một “đề bài” tại nhà.

“Kết quả là nhiều giáo viên khoe với chúng tôi hình ảnh các em ở nhà chăm sóc cây, nhiều hạt giống đã nảy mầm dịp này. Hay như câu chuyện một người bạn tặng hạt giống cho bạn mình, sau đó được bạn tặng lại quả ngọt. Không phải sách vở giáo điều mà niềm vui sẽ đến một cách tự nhiên từ quá trình gieo hạt” – anh bộc bạch.

Nhân rộng mô hình

Khó khăn nhất ban đầu phải kể đến là làm thế nào để tạo ra thói quen mới vì mọi người vốn quen với việc lì xì bằng tiền, anh Đức kể. “Cũng khá ngại khi mình tặng hạt giống và nhiều người chưa dũng cảm phá bỏ rào cản đó. Mỗi năm chúng tôi đều có những giải pháp và ý tưởng khác nhau để việc gieo hạt ngày càng trở nên dễ dàng và tạo niềm vui” – anh cho biết.

Hiện nhóm đang phối hợp với các trường đưa hình ảnh hạt giống, cây xanh vào giảng dạy, giúp các em hình thành thói quen gieo hạt và chăm sóc cây xanh. Suốt hành trình 3 năm miệt mài, ban đầu nhóm chỉ có 2 người đứng ra tổ chức hoạt động, nay lên đến 10 người làm việc chính thức, cùng hệ thống tình nguyện viên có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Chưa hết, hành trình còn gặp được nhiều người bạn thú vị như các thầy cô giáo, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục hay cộng đồng doanh nhân.

Một thầy giáo ở Trường Sa cũng tổ chức cho các bạn nhỏ ở đảo tham gia thiết kế lì xì hạt giống và gửi tặng lại Gieo một bức thư đầy xúc động. “Mỗi hạt giống gieo xuống là mỗi mầm non tâm hồn sẽ nảy nở, mai này vươn lên thành những chồi xanh – chủ nhân tương lai của đất nước. Cảm ơn Gieo đã mang điều tuyệt vời ấy đến với Trường Sa – nơi đầu sóng ngọn gió” (Thư gửi từ Trường Sa, Bành Hữu Tình, 9-1-2020).

Anh Lương Ngọc Đức cho biết sắp tới các bạn trẻ sẽ ra mắt bộ truyện tranh về hạt giống, góp thêm vào “tổ hợp” sản phẩm của mình.

Báo Tuổi Trẻ: Người đi gieo hạt 2

Bài viết cũng được đăng trên Báo Giấy – Báo Tuổi Trẻ

Phát triển “tổ hợp” sản phẩm

Không dừng lại ở thiết kế bao lì xì, trao hạt giống, hiện nay Gieo – Nghệ thuật trao hạt may mắn còn phát triển các “tổ hợp” sản phẩm bày bán ngay trong không gian quán cà phê, với các loại hạt: hạt may mắn, hạt hạnh phúc, hạt tha thứ, hạt sức khỏe… giá từ 15.000-20.000 đồng/gói.

Ngoài ra, nhóm còn bán sản phẩm hạt gieo liền gồm hạt giống, chậu cây, đất và phụ kiện gieo trồng kèm theo, giá 99.000 đồng/set. Nhờ vậy, người nhận hạt có thể trồng ngay mà không mất thời gian chuẩn bị.

Theo Hà Thanh