Bài phát biểu của Đồng sáng lập Trao Group tại Techfest 2020

Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia TECHFEST VIETNAM 2020 đang diễn ra với rất nhiều các hoạt động hội thảo tại trường đại học Kinh tế Quốc dân, mang đến tầm nhìn mới mẻ “Con người là trung tâm kết nối sáng tạo – không biên giới – không gian – khoảng cách thời gian“.

Anh Lương Ngọc Đức, Đồng sáng lập của Trao đã được mời phát biểu trong trong Hội Thảo “Giải pháp giúp doanh nghiệp khởi nghiệp tác động phục hồi, thích ứng với Covid 19“. Không chỉ mang tới một góc nhìn mới mẻ cho buổi hội thảo, những món quà hạt giống của Gieo cũng đã làm các đại biểu và người tham gia hào hứng và thích thú.

 

Bài phát biểu của Đồng sáng lập Trao Group tại Techfest 2020 1

Chúng tôi xin được trích lại nguyên văn bài phát biểu như ở dưới đây:

“CÁCH DOANH NGHIỆP TẠO TÁC ĐỘNG XÃ HỘI ĐỐI PHÓ VỚI COVID

Kính thưa các quý vị đại biểu và các vị khách quý,

  • GÓC NHÌN KHÁC VỀ COVID

Khi có điều gì đó trong cơ thể chưa cân bằng, cơ thể sẽ luôn gửi cho chúng ta những tín hiệu. Như là bạn đói rồi, đã đến lúc bạn cần ăn. Đôi chân chạy đã mỏi rồi, bạn cần dừng lại nghỉ ngơi. Hay đôi mắt mệt rồi, bạn nhắm mắt lại ngủ một chút nhé.

Điều này càng được biểu hiện rõ rệt khi cơ thể bị ốm. Chúng ta sẽ cảm thấy mệt mỏi, không thể nào động tay động chân. Chúng ta cảm thấy không thoải mái và bất mãn vì đến những việc đơn giản hàng ngày cũng không thể nào làm được.

Nhưng này bạn, có bao giờ bạn nghĩ rằng những sự mệt mỏi, nỗi đau hay cơn bệnh này được cơ thể gửi đến là để … bảo vệ bạn?

Hãy thử tưởng tượng một chút nhé: chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn rất ốm, nhưng cơ thể không hề gửi cho bạn một tín hiệu nào cả? Hậu quả sẽ khôn lường như thế nào đây?

Vì vậy, theo một góc nhìn khác thì sự mệt mỏi, nỗi đau hay bệnh tật này sẽ là một món quà để chúng ta có thể được trở về ngôi nhà thân thể … để ôm ấp, chăm sóc và chở che cho cơ thể tuyệt diệu này.

Tôi mời bạn đặt tay phải lên trái tim mình.

Bạn có thấy trái tim mình đang đập không? Trái tim còn đập là cuộc đời hãy còn đẹp lắm.

Ai đó đã nói rằng trái tim của bạn không chỉ ở trong lồng ngực, mà còn ở trên mặt trời. Bởi vì nếu mặt trời kia tắt đi thì trái tim trong lồng ngực này cũng ngừng đập.

Hay ai đó cũng đã nói rằng lá phổi của bạn không chỉ ở nơi này, mà còn ở trên những chiếc lá … Vì nếu những chiếc lá xanh ngoài kia ngừng hô hấp thì lá phổi này cũng dừng thở.

Nếu được ở trên một con tàu đi ra thật xa khỏi trái đất thì chúng ta sẽ nhìn thấy rằng trái đất này, mái nhà này của chúng ta cũng là một cơ thể nơi mà mỗi một thực thể sống đều là một tế bào.

Mà mỗi khi có điều gì chưa cân bằng, trái đất cũng bị ốm và gửi đến chúng ta những tín hiệu không lời. Đó có thể là biến đổi khí hậu, là lũ lụt khi rừng không còn. Và giờ là Covid.

Nếu bị ốm là cách cơ thể bảo vệ chúng ta không tiếp tục làm điều gì đó chưa đúng, thì có khi nào Covid cũng đã đến để bảo vệ con người và mang đến một thông điệp?

  • NGUYÊN NHÂN GỐC RỄ CỦA COVID

Năm qua, Covid đã ép chúng ta phải dừng lại. Mọi hoạt động kinh doanh bị đình trệ. Những gì đã từng là dễ dàng thì bây giờ lại không còn nữa. 61 triệu người mắc bệnh dẫn đến gánh nặng y tế khủng khiếp. Covid cũng gây ra thiệt hại gần 9000 tỷ đô la cho nền kinh tế toàn cầu.

Theo Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) thì mặc cho những nỗ lực rất lớn trong việc điều trị các triệu chứng của Covid thì con người vẫn đang bỏ qua nguyên nhân gốc rễ của vấn đề.

Theo báo cáo mới của tổ chức này thì họ kêu gọi một chiến lược sức khỏe hợp nhất nhằm tái cân bằng nhu cầu của con người, hành tinh và động vật. Báo cáo này cũng chỉ ra rằng hoạt động của con người những năm gần đây đã tạo nên nền tảng để đại dịch xảy ra như thế nào. Quá trình đô thị hóa, sự mở rộng nhanh chóng của các thành phố, công nghiệp hóa nền nông nghiệp là một trong những nguyên nhân lớn nhất. Ngoài ra, những điều này cũng gây ra sự gia tăng chưa từng có của vấn đề biến đổi khí hậu, sự mất đa dạng sinh học và phá hủy môi trường.

Theo một bài báo mới được xuất bản gần đây trên báo Tuổi Trẻ, chỉ trong vòng 50 năm, bằng các hoạt động phá rừng, canh tác, xây dựng, du lịch, loài người đã khiến các quần thể động vật hoang dã trên toàn thế giới giảm trung bình 68%, đẩy thiên nhiên vào tình trạng ‘rơi tự do’, rất khó để cân bằng lại.

Tôi tin vào sự cân bằng. Một cơ thể cân bằng là một cơ thể khỏe mạnh. Một trái đất cân bằng là một trái đất khỏe mạnh.

Loài người đang đổ hàng chục tỷ đô la cho cuộc chạy đua tìm vắc xin điều trị Covid. Sau khi có Vắc xin, tôi tin con người sẽ đẩy lùi được đại dịch. Tuy nhiên, nếu sự không cân bằng vẫn còn ở đó thì những gì vắc xin này có thể làm chỉ là một liều thuốc giảm đau, chứ không giúp con người vượt qua được những mối hiểm họa sẽ tiếp tục xảy ra ở tương lai.

  • GIẢI PHÁP VĨ MÔ CHO COVID

Như vậy, xét một cách vĩ mô thì giải pháp để giải quyết gốc rễ cho đại dịch Covid-19 và tương lai của con người không phải là một liều vắc xin mà phải là một đời sống, một nền kinh tế cân bằng, nơi thiên nhiên cũng phải được trân quý và thương yêu như chính con người vậy.

Mà bạn biết không nhiều người thường nghĩ rằng thiên nhiên là phải ở rừng ở biển, phải là động vật chim muông. Nhưng có bạn giờ bạn tự hỏi rằng điều gì làm trái tim mình đập, làm sao thức ăn lại có thể biến thành năng lượng nuôi sống cơ thể, còn khí ô xy thì lại có thể vào hồng cầu rồi xuôi theo những ‘con sông’ đi tới mọi tế bào? Phép màu hay bàn tay nào ở sau những điều kì diệu đó nếu không phải là thiên nhiên.

Bạn thân mến? Bạn đã là một phép màu của tự nhiên rồi.

Từ góc nhìn này, bạn và tôi – chúng ta có thể sẽ cùng nhau có rất nhiều hành động khác đi. Chúng ta sẽ nhìn thiên nhiên bên ngoài cũng như là một phần máu thịt bên trong. Cây cỏ hay động vật ngoài kia cũng là anh em mình, như những tế bào trong một cơ thể.

Xét về góc độ kinh tế, thiên nhiên cũng là nhà đầu tư lớn nhất của doanh nghiệp. Một điều chắc chắn là chúng ta không thể tìm thấy một doanh nghiệp nào được xây dựng hay phát triển lại không dựa trên một nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đó có thể là dầu khí, gỗ rừng, đất, đá, nguồn nước … Tuy nhiên, sau khi đi qua 1 doanh nghiệp thì các tài nguyên này sẽ nghiễm nhiên trở thành tài sản của người chủ doanh nghiệp hoặc là nợ.

Hẳn là bạn đã từng biết đến phương trình bảng cân đối kế toán. Phương trình 500 năm tuổi này được giảng dạy trong tất cả các giáo trình kinh tế và được các chính phủ áp dụng trong việc quản trị doanh nghiệp. Phương trình này trông như sau:

Tài sản = Vốn chủ sở hữu + Nợ 

Dựa trên phương trình này, chúng ta sẽ thấy rằng mặc dù đóng góp nhiều nhất cho doanh nghiệp nhưng thiên nhiên chưa được xem là một nhà đầu tư đúng nghĩa. Thiên nhiên cũng không được hưởng các quyền lợi của một cổ đông và có lẽ sự cân bằng bị phá vỡ cũng bắt đầu từ đó.

Nếu kinh tế học có nghĩa là ‘không có bữa trưa nào là miễn phí’ và nếu chúng ta trả đủ cho cổ đông thiên nhiên những gì xứng đáng thì tôi xin đề xuất thay đổi phương trình bảng cân đối kế toán cho một nền kinh tế bền vững như ở dưới đây:

Tài sản = Vốn của thiên nhiên + Vốn chủ sở hữu + Nợ

Khi phương trình này được ứng dụng vào thực tiễn thì tôi tin 100% các doanh nghiệp sẽ trở thành doanh nghiệp tạo tác động. Và mỗi một doanh nghiệp tạo tác động là một doanh nghiệp mang trong mình một ước mơ được trao, một ước mơ chữa lành.

Thiên nhiên đã trao cho chúng ta một cách vô điều kiện. Thì tại sao chúng ta lại không?

Tôi tin rằng bằng cách làm sống lại nền văn hóa trao đi – vốn là một nét văn hóa của người Việt xưa sẽ là giải pháp mang đến một đời sống hạnh phúc và cân bằng cho con người, vạn vật và trái đất này.

  • GIẢI PHÁP VI MÔ

Mẹ Teresa từng nói ‘Chúng ta sẽ chẳng thể làm được điều gì vĩ đại. Nhưng chúng ta luôn có thể làm những điều nhỏ bé bằng một tình yêu vĩ đại’.

Thay vì thay đổi thế giới, chúng tôi lựa chọn bắt đầu từ chính mình. Chúng tôi đã bắt tay xây dựng Trao Group với tầm nhìn về một thế giới hạnh phúc nơi mọi người cho đi nhiều hơn.

Chúng tôi hy vọng Trao sẽ trở thành tấm gương về một doanh nghiệp có thể tồn tại và thịnh vượng khi cho đi nhiều hơn nhận về.

Ước mơ của Trao là mở ra con đường để con người trở về với tự nhiên như nó vốn là. Bằng cách làm sống lại văn hóa cho đi với lòng tôn trọng, Trao nhìn thấy một thế giới hạnh phúc và tuyệt đẹp nơi con người có thể sống chan hòa và hợp tác với thiên nhiên.

Và sự cho đi thực sự đối với Trao là khi cả người trao và người nhận cùng không biết tới sự có mặt của món quà. Đó là sự cho đi một cách vô tư như ánh nắng mặt trời hay như sự bừng nở của một bông hoa.

Tại Trao, mục tiêu kinh doanh và phụng sự xã hội sẽ luôn song hành cùng nhau. Chúng tôi thể hiện sự tôn trọng khách hàng và cộng đồng bằng cách cung cấp cho họ những sản phẩm tử tế ở mức giá tử tế.

Chúng tôi hiểu rằng mình đang không sáng tạo các sản phẩm. Mà tất cả đều là một phần ‘thân thể’ của Thiên nhiên. Chúng tôi chỉ là trung gian đóng gói và trao gửi món quà từ Thiên Nhiên tới cộng đồng. Hiểu và trân trọng điều này, các sản phẩm do Trao kinh doanh sẽ hòa nhịp với mong ước của Mẹ Thiên nhiên để nó không chỉ phục vụ con người, mà còn đồng thời chăm sóc cho thiên nhiên vạn vật.

Một trong những dự án của chúng tôi đang làm là Gieo – Quà tặng Diệu kỳ từ Hạt giống.

Mọi thứ trong vũ trụ này đều được bắt đầu từ một hạt giống: trong đó có bạn, có tôi, có cây cỏ chim muông, hay những khu rừng.

Hạt giống là khởi nguồn của sự sống. Mỗi hạt giống đều chứa đựng nguồn năng lượng thuần khiết để bắt đầu cho một sự sống mới.

Trái đất của chúng ta đã chịu nhiều tổn thương và hạt giống chính là công cụ chữa lành nguyên thủy và lâu đời nhất mà chúng ta đã có.

Và hàng ngày chúng ta vẫn đang ném những món quà ấy vào thùng rác.

Nếu người Nhật có nghệ thuật cắm hoa Ikebana, nghệ thuật bọc khăn Furoshiki thì người Việt cũng có.

Gieo – Nghệ thuật Trao hạt May mắn.

Gieo đóng gói những hạt giống nhỏ thành những món quà, những câu chuyện, những lời chúc hay những tác phẩm nghệ thuật để mọi người có thể trao tặng cho nhau.

Gieo cũng biến việc trồng cây và bảo vệ môi trường trở thành những trò chơi, những thói quen hay những nét văn hóa mới

… để từ đó mọi người không còn cảm nhận bảo vệ môi trường là một việc phải làm nữa, mà nó cũng có thể tự nhiên như hơi thở.

Hành trình vạn dặm luôn bắt đầu từ một bước chân.

Năm ngoái, các hoạt động trao tặng hạt giống của Gieo đã nhận được sự ủng hộ của hơn 100 trường học trên 20 tỉnh thành, cùng sự đồng hành của Bộ Thông tin và Truyền thông. Các món quà và sản phẩm hạt giống của Gieo cũng đã được lựa chọn bởi nhiều tập đoàn như Grab, Vinpearl hay Heineken cho các chiến dịch xanh của họ.

Thế rồi, Covid ập đến. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, nhiều hoạt động xã hội và kinh doanh của chúng tôi bị đình trệ.

  1. Thay vì bị động chờ đợi và đổ lỗi, chúng tôi đã hành động một cách chủ động. Covid đã trở thành 1 khoảng thời gian quý báu cho chúng tôi được dừng lại, học hỏi thêm những điều mới mẻ, tuyển dụng và đào tạo đội ngũ để chuẩn bị đón đầu cơ hội.
  2. Covid cũng cho chúng tôi thời gian để nói chuyện với khách hàng nhiều hơn, để sáng tạo ra những sản phẩm mới đáp ứng tốt hơn với nhu cầu của họ hoặc thực hiện nhiều cải tiến trên những sản phẩm hiện tại.
  3. Thay vì chiến đấu với Covid, chúng tôi chấp nhận nó và thực thi nhiều hành động tái thiết trong trạng thái bình thường mới. Chúng tôi thay đổi kế hoạch kinh doanh và điều chỉnh sự tập trung của mình vào những sản phẩm hay cách thức kinh doanh bền vững hơn như là thông qua mạng internet.

Từ sâu thẳm, chúng tôi tin rằng Covid sẽ qua và đúng là như vậy. Để hôm nay chúng ta có thể tham gia buổi tọa đàm này, giữa bối cảnh thế giới vẫn đang khốn đốn với Covid thì chúng ta nên cùng tặng cho chính phủ Việt Nam một tràng pháo tay thật lớn vì đã có những hành động mạnh mẽ và quyết liệt không để dịch bệnh tái bùng phát.

Việc Việt Nam sớm đẩy lùi Covid đã giúp nhiều doanh nghiệp sớm trở lại với những kế hoạch mới. Đâu đó, Covid cũng mang đến những cơ hội mới cho sản phẩm của những doanh nghiệp tạo tác động như Trao và Gieo bởi vì sau Covid sẽ có thêm nhiều người quan tâm tới sức khỏe và môi trường hơn.

Sau tất cả, một năm Covid đang dần qua đi.
Chúng tôi đã lựa chọn ánh sáng, thay cho bóng tối.
Chúng tôi đã lựa chọn hy vọng, thay cho sự sợ hãi.

Và chúng tôi tin tưởng rằng bằng sự có mặt của bạn ở đây, bạn cũng đã làm như vậy.

Tôi xin chân thành cảm ơn các bạn đã lắng nghe và xin chúc các bạn nhiều sức khỏe và niềm vui.”