Nghịch lý của sự sở hữu

Nghịch lý của sự sở hữu 1

Ta không sở hữu đồ vật. Đồ vật đang sở hữu ta.
 
Dạo gần đây, tớ làm mất và hỏng khá nhiều đồ. Trong đó có nhiều đồ tớ rất thích hoặc thậm chí là mới mua chưa có dịp dùng tới. Mỗi lần như thế thì mình lại mất 1 khoảng thời gian để buồn 1 xíu và tiếc 1 xíu.
 
Các bạn có bao giờ có cảm giác giống tớ không?
 
Thế là tớ có dịp lùi lại một bước để ngắm nhìn lại việc sở hữu đồ đạc. Chúng ta đều đi làm rất vất vả để kiếm ra tiền. Khi có tiền, chúng ta bắt đầu mua sắm theo sở thích như là quần áo, TV, xe hơi, … Chúng ta hy vọng rằng bằng cách tiêu tiền thì mình sẽ cảm thấy sung sướng và hạnh phúc.
 
Tớ quan sát là mỗi một món đồ ta mua sẽ mang đến những nghĩa vụ mới cho ta. Ví dụ nhé: Bạn có 1 bộ quần áo rất đẹp. Khả năng cao là bạn lại phải giặt tay. Bạn có một chiếc điện thoại thì cần phải mua thêm tấm ốp, tai nghe rồi sửa chữa, nâng cấp. Bạn có chiếc xe ô tô thì bạn sẽ phải lo chỗ gửi xe, chỗ đổ xăng, bảo dưỡng.
 
Những món đồ này khi bạn không dùng nữa thì bạn sẽ có trách nhiệm đem tặng hoặc thanh lý. Và điều tệ hơn là nếu có điều gì xảy ra với món đồ ấy như là bị mất hoặc bị hỏng thì bạn sẽ buồn.
 
Và tớ bắt đầu nhìn thấy sự thật là đồ đạc bắt đầu sở hữu ta. Hãy thử tưởng tượng bạn thức dậy sau 1 đêm ngủ ngon và không có bất kể nghĩa vụ nào. Bạn được tự do làm điều mình thích. Và bây giờ khoảng trống tự do đó sẽ được lấp đầy bởi một danh sách dài những việc mà bạn phải làm cho những gì mà bạn sở hữu.
 
Những thứ ta sở hữu đó không chỉ chiếm hữu ta về mặt thời gian, mà còn về mặt cảm xúc. Khi không nhìn thấy món đồ đó, ta lại nảy sinh bồn chồn, lo lắng.
Và cứ thế ta ở trong cái vòng luẩn quẩn của sự sở hữu. Và cái khoảng trống tự do mà ta có sẽ ngày càng bé lại.
 
Hãy thử tưởng tượng như bạn có một đôi cánh để bay lên bầu trời tự do nhưng đôi chân bạn lại bị còng bởi quần áo đẹp, oto, xe máy, đàn piano, sách vở, … 
 
Ở một thái cực ngược lại, nếu không sở hữu gì cả, chúng ta cũng có thể cảm thấy hoang mang, hoặc không thể hòa nhập với cuộc sống này.
 
Nên tóm lại là những quan sát này sẽ giúp chúng ta tỉnh thức hơn trong việc mua sắm. Chúng ta cũng có thể thực tập để sự tồn tại của mình trở nên độc lập với những gì mà ta sở hữu. Tức là, mỗi đồ vật cũng có thể có một cuộc đời và tới một thời điểm nhất định nó cũng cần có tự do của nó nữa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *