Trong suốt hàng ngàn năm qua, Việt Nam đã trở thành một quốc gia nhập khẩu văn hóa. Và điều này càng trở nên mạnh mẽ hơn trong khoảng 20 năm trở lại đây với sự phát triển của truyền thông và công nghệ. Những nét văn hóa mới như Giáng Sinh, như Haloween, như nền văn hóa tiêu dùng (phải dùng tiền để mua hạnh phúc) … là những thứ mà chẳng người Việt nào từng biết 20 năm về trước.
Cũng có thể vì người Việt đâu đó luôn cảm thấy mình ‘thấp kém’ nên mới sinh ra suy nghĩ sính ngoại, nên đã tạo cơ hội cho văn hóa, lối sống và sản phẩm nước ngoài du nhập một cách nhanh chóng vào Việt Nam. Giáng Sinh theo đó cũng được vào Việt Nam và ngay lập tức được các doanh nghiệp rất yêu thích vì nó là một công cụ để kích cầu mua sắm hiệu quả. Các doanh nghiệp lớn chi nhiều tiền để trang trí giáng sinh trước cả tháng trời không phải vì cho đẹp mà là vì nếu tạo ra không khí giáng sinh sớm thì khách hàng sẽ mua nhiều hàng hơn.
Văn hóa tiêu dùng và mua sắm phương Tây cũng ảnh hưởng nhiều tới các nét văn hóa truyền thống khác của Việt Nam. Ngày tết truyền thống xưa của người Việt là dịp mà mọi người mong chờ cả năm thì bây giờ lại là dịp làm mọi người căng thẳng stress. Ngày xưa ai cũng nghèo như nhau nên chẳng có gì phải lo, còn giờ lễ tết là dịp mà người ta thể hiện sự hơn kém, thể hiện cái tôi nhiều nên Tết không còn vui nữa.
Rồi Gieo nhận ra rằng những việc nhỏ mà Gieo đang làm là bảo tồn và sáng tạo những giá trị truyền thống đầy bản sắc Việt Nam. Gieo muốn mang về cái tết bình an như cách mà ông cha ta đã từng có từ hàng ngàn năm trước trở lại cho người Việt. Tết Gieo có thể được kéo dài một tháng và phải là một tháng không lo nghĩ, là dịp tết mà mọi người sẽ cùng chăm sóc và thương yêu một điều gì đó mà không kỳ vọng nó phải thành công.
Lì xì Hạt giống là một phần của Tết Gieo sẽ thể hiện văn hóa chú trọng gieo trồng và làm nông của người Việt mỗi dịp đầu xuân. Và việc tặng nhau hạt giống cũng đã luôn là một nét cử chỉ đẹp mà người nông dân Việt vẫn thường làm suốt hàng ngàn năm qua.
Tết Gieo hay Lì xì Hạt giống là những ý tưởng và văn hóa có thể xuất khẩu được. Nếu Nhật Bản, Trung Quốc hay Đài Loan cũng tặng nhau lì xì hạt giống thì sao nhỉ? Một năm sẽ có bao nhiêu cái hạt được gieo và bao nhiêu tình bạn được trồng?