Đường link bài viết gốc trên báo tienphong.vn: Link
Bị ám ảnh bởi cái kết mang màu sắc bạo lực, thù hận và đầy định kiến của một số câu chuyện cổ, có thể kể như: Tấm Cám; Trí khôn ta đây; Sơn Tinh Thủy Tinh… một nhóm các bạn trẻ đã cùng nhau lập ra dự án viết lại cái kết cho truyện cổ đúng trong mùa giãn cách. Cộng đồng đọc hiện đang nhiệt liệt ủng hộ và chờ mong ngày cuốn sách “viết lại” này ra mắt.
“Chúng ta thường bắt gặp rất nhiều định kiến trong các câu chuyện cổ tích, ví dụ như muốn có hạnh phúc thì phải trở thành công chúa, hoàng tử, phò mã, nhà vua. Người nghèo luôn tốt còn người giàu xấu xa. Người tốt chỉ cần ngồi khóc sẽ được được Bụt thương, còn người trót xấu sẽ bị trừng phạt tới mức không bao giờ có cơ hội được sửa sai”, anh Lương Ngọc Đức – người sáng lập dự án chia sẻ lý do muốn “lật lại hồ sơ truyện cổ tích”.
Bìa sách Trí khôn của ta đây – phần 2 – Được minh họa bởi học sinh trường Vinschool Ocean Park
Anh Đức cũng là người vài năm trước rất nổi tiếng trong cộng đồng sống xanh với ý tưởng vận động người lớn nên thay bao lì xì hàng năm cho trẻ con bằng lì xì bom. Nghĩa là, với mỗi một bao lì xì, lũ trẻ sẽ không nhận được tiền bên trong, mà chỉ có hạt giống đã được xử lý. Hạt giống có nhiều loại, trong đó cồng kềnh nhất là loại bom: thực chất là một viên đất tròn to bằng quả quất (hoặc hơn), bên trong chứa hạt giống các loại. Những người thích trồng cây sẽ mang theo bom này trên các chặng đường di chuyển của mình. Thường họ sẽ ném nó vào rừng hoặc đồi trọc, hoặc những mảnh đất hoang. Chỉ cần có mưa, hạt giống sẽ nẩy mầm. Đây được xem là cách trồng cây nhanh và tiện lợi nhất hiện nay, phù hợp với nhiều người, kể cả trẻ em. Dự án này thu được thành công rực rỡ, được mở rộng ở 20 tỉnh thành. Đến nay các thuật ngữ bom hạt giống, lì xì bom… đã trở nên thông dụng với nhiều người trẻ.
Trở lại chuyện viết lại cổ tích, anh Đức cho biết để đặt bút viết lại, nhóm đã phải tham khảo, tổng hợp từ nhiều yếu tố như lịch sử, văn học, trí tưởng tượng… Sản phẩm sau khi hoàn thành sẽ được xuất bản dưới dạng truyện tranh.
“Qua những câu chuyện, tôi mong mọi người có được góc nhìn khác với những gì họ từng biết. Sự tự do trước hết phải bắt nguồn từ tâm trí của mỗi người. Khi được giải thoát khỏi chính những định kiến mà chúng ta vẫn luôn tin tưởng, mỗi người sẽ có thêm nhiều suy nghĩ và lựa chọn hơn trong cuộc sống”, anh nhấn mạnh.
Hiện nay, trên một số diễn đàn đọc, nhiều người cũng hào hứng tổ chức các cuộc thi nhỏ để viết lại những câu chuyện (không chỉ cổ tích) được cho là “chưa ổn, chưa hay”. Những người tổ chức các cuộc vui này đều nói rằng, họ được truyền cảm hứng từ nhóm “viết lại” do Lương Ngọc Đức khởi xướng.
Theo Tiền Phong