“…because seed is food, food is life. If there’s no seed, no life. No seed, no freedom. No seed, no happiness. Because your life depends on somebody else.”
Jon Jandai, Life is easy. Why do we make it so hard?
(tạm dịch: Bởi vì hạt giống là thức ăn, thức ăn là sự sống. Không có hạt giống, sẽ không có sự sống. Không có hạt giống, sẽ không có tự do. Không có hạt giống, sẽ không có hạnh phúc. Bởi vì cuộc sống của bạn đã bị phụ thuộc vào người khác). Jon Jandai, một nông dân đến từ Đông Bắc Thái Lan, đã phát biểu đoạn trích dẫn trên trong buổi nói chuyện của mình trước đám đông tại một sự kiện của Ted Talk. Jon nói về một cuộc sống tự cung tự cấp, có nghĩa là khi con người có khả năng lo liệu được bốn yếu tố: thức ăn, quần áo, nơi ở, và thuốc men, con người hoàn toàn có khả năng biến cuộc sống trở nên dễ dàng. Jon Jandai là một minh chứng sống cho lời tuyên bố của chính mình. Khi Jon khẳng định: “Cuộc sống dễ dàng lắm,” hầu hết chúng ta đều ít nhiều nảy sinh nghi ngờ. Không ai tin cuộc sống mà mình phải hàng ngày vật lộn để có thể sống sót lại có thể trở nên dễ dàng. Điều đó về cơ bản là không thể. Họa chăng chỉ có may mắn mới có thể biến một điều bất khả thành khả thi, và Jon đã làm được điều đó. Từ Bangkok phồn hoa, Jon quay trở về làng sau nhiều năm vất vả. Ở Bangkok, Jon làm việc tám tiếng một ngày và trở về nhà chẳng có gì để ăn ngoài đồ hộp rẻ tiền và mì gói. Jon thường tự hỏi chính mình vì sao người ta phải làm việc nhiều đến vậy chỉ để được nhận lại một chút ít? Vì sao làm việc ròng rã 30 năm trời mà vẫn chẳng mua nổi một cái nhà? Vì thế Jon trở về làng của mình, trong khi người người lao vào kiếm tiền, Jon quay trở về nhịp sống nguyên thủy của một người nông dân thuần túy. Một năm chỉ làm việc hai tháng, một mùa gieo và một mùa gặt; thời gian còn lại Jon trồng rau, tự xây nhà, sau một thời gian, Jon đã có một mảnh vườn với trên 30 loại thực vật khác nhau và một vài căn nhà ấm cúng cho riêng mình. Những điều tưởng chừng như không thể đạt được đối với những người thành phố tài giỏi với tấm bằng đại học hạng ưu lại dễ dàng được một ông nông dân bỏ học có trong tay. Vì sao lại có chuyện nghịch lý như thế? Bởi vì “Chúng ta đã làm cuộc sống phức tạp thêm,” cũng chính là câu hỏi và câu trả lời của Jon Jandai. Chúng ta có thể tự xây nhà, tự trồng trọt và làm ra thực phẩm, tự hài lòng với những gì mình đang có, học cách lắng nghe cơ thể mình, và như thế là cuộc sống của chúng ta đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Nhưng phần lớn mọi người lại cho rằng cách sống của Jon là kỳ dị, không bình thường. Không bình thường là bởi trong một xã hội coi trọng của cải vật chất, bất cứ ai chống lại sức cám dỗ của chúng đều được coi là những kẻ ngược đời. Một cuộc sống cho dù đơn giản và đem lại cho tâm hồn chúng ta sự bình yên song lại thiếu thốn về vật chất không phải là một cuộc đời đáng sống. Câu chuyện của Jon Jandai nếu quy chiếu sang xã hội Việt Nam có thể được so sánh với truyền thống trao lì xì vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán. Lì xì là một truyền thống lâu đời bắt nguồn từ Trung Quốc và dần dần đi vào văn hóa của người Việt Nam. Phong bao lì xì đỏ và những đồng tiền mới từ lâu đã trở thành một phần gắn liền với tuổi thơ và niềm háo hức của trẻ em mỗi khi Tết đến. Mặt khác, khi trẻ em bắt đầu lớn lên và nhận thức được một vài chuyện trong cuộc sống hàng ngày, phong bao lì xì đỏ dần trở thành một nỗi ám ảnh và lo lắng mơ hồ. Đến một độ tuổi nhất định, những đứa trẻ trở thành người lớn, đã qua tuổi được nhận lì xì. Dần dà, chúng hiểu được khuôn mặt lo lắng của cha mẹ mình ngày xưa cứ mỗi lần Tết đến mà hồi đó chúng chẳng tài nào hiểu được. Tết đến rồi, năm nay nên lì xì bao nhiêu? Tết chỉ đẹp khi chúng ta còn nhỏ, bởi thế giới của trẻ con thì không phức tạp như người lớn. Jon Jandai đã làm được điều bất khả thi, đó là làm cho cuộc sống trở nên thật dễ dàng. Jon đã tự tạo ra may mắn cho chính mình bằng cách khai tử lối sống trọng vật chất. Vậy nếu năm nay thay vì bỏ tiền vào những chiếc lì xì đỏ chói, bạn đem tặng những hạt mầm thì sao? Trẻ em có thể trồng cây, người lớn có thể tận tâm trao đi những lời chúc tốt đẹp mà không phải vướng bận trong lòng. Bạn có thể dạy những đứa trẻ với tâm hồn trong sáng và non nớt ấy về một thế giới nơi chúng có thể làm cuộc sống trở nên dễ dàng hơn bằng cách tự tạo ra vận may cho chính mình, thay vì tiêm vào đầu óc chúng những ý tưởng về một lối sống vật chất thực dụng, nơi đồng tiền quyết định toàn bộ giá trị của một cá nhân. Bạn có thể dạy những đứa trẻ trồng cây, làm bạn với cây cỏ, và như thế hạt mầm của ý thức bảo vệ thiên nhiên cũng sẽ được gieo vào lòng, cùng trẻ nhỏ lớn lên. Hy vọng năm nay kẻ kỳ dị ngủ quên trong bạn đã sẵn sàng để gieo xuống những hạt giống của sự sống, tự do và hạnh phúc.