Bởi vì khi hạnh phúc là khi chúng ta thấy đủ đầy. Mà khi tự thân đã thấy đủ đầy rồi thì ăn bát cơm rau cũng ngon, mặc cái áo cũ sờn cũng thấy đẹp, đi cái xe cà tàng vẫn thấy sang.
Khi chúng ta hạnh phúc, chúng ta cũng không đi tìm hạnh phúc ở xa xôi, sẽ gây tốn nhiều xăng dầu xe cộ máy bay các thứ :)))
Một người hạnh phúc cũng dễ tạo ra một người hạnh phúc vì năng lượng tích cực của họ sẽ bừng nở ra xung quanh như hoa trái.
Tuy nhiên, các Tập đoàn kinh tế không thích điều này. Họ sẽ tiếp tục các chiến dịch truyền thông tạo nhu cầu mới, đánh vào sự khao khát sở hữu hay mong ước được khẳng định mình của con người. Họ sẽ tiếp tục khoan sâu vào điểm yếu của con người để tạo ra một xã hội càng đau khổ càng tốt.
Vì đau khổ là sẽ cần bù đắp, cần đi kiếm tìm hạnh phúc, rồi các Tập đoàn kinh tế sẽ chỉ cho khách hàng của mình vị trí của hạnh phúc? Như là ở quần áo đẹp, ở đồ ăn sang chảnh, ở xe sang, ở những chuyến du lịch. Kiểu như là nếu mà khóc ở trong BMW thì chắc là vẫn sướng hơn là khóc trên yên xe đạp :))) Thất tình đi ra Maldives tắm biển thì cũng ổn hơn ngồi Hà Nội ô nhiễm. he he … Nói chung muốn hạnh phúc ý là bạn phải hơn người khác, chứ không thể lèng xèng được :))
Một người không hạnh phúc cũng có thể đi tìm hạnh phúc ở một người khác. Họ sẽ xem người khác là nguồn hạnh phúc của mình, để rồi dễ làm cho người đó đau khổ khi họ không làm thỏa mãn nhu cầu của mình trước.
Trong khi sự thật là hạnh phúc lại thường đến ở những nơi miễn phí như là một trái tim đang đập, hôm nay cơ thể vẫn khỏe mạnh, nụ cười vẫn ở trên môi dù nỗi đau cũng còn đâu đó, nắng vẫn ngập tràn, tiếng chim vẫn hót tìm nhau, hay lặng ngắm một bầu trời sao lung linh. Tớ từng đọc truyện cổ tích thì nhớ là có tình tiết lũ quỷ muốn làm con người đau khổ sẽ giấu hạnh phúc ở những nơi xa xôi để con người sẽ không bao giờ tìm nó ở ngay trong chính mình.
Nói chung là tớ không phản đối thế giới tiện nghi vật chất, không phản đối chuyện đi du lịch; chỉ là nếu chúng ta cảm nhận đâu là sự vừa đủ của bản thân (trước khi bị các Tập đoàn đầu độc bằng truyền thông) thì chắc trái đất cũng phục vụ đỡ vất vả hơn.
Nên tóm lại là thay vì đấu tranh bảo vệ môi trường thì chúng ta hãy hạnh phúc vui vẻ đi là tuyệt nhất ý. Có khi nào các cậu cũng nghĩ rằng một bông hoa hạnh phúc nở giữa rừng không được ai ngắm cũng chăm sóc cho trái đất tốt hơn những người đau khổ trong hành trình giải cứu thế giới?
Cho nên nhạc sỹ Trịnh Công Sơn mới nói “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ” phải không các cậu?”